Thuế xuất nhập khẩu là gì? Cách tính thuế xuất nhập khẩu

Thuế xuất nhập khẩu là khoản thuế mà nhà nước áp dụng lên các hàng hóa khi chúng được đưa ra khỏi hoặc vào lãnh thổ Việt Nam. 

Thuế này không chỉ là một nguồn thu chính cho ngân sách nhà nước, mà còn là một công cụ để bảo vệ nền kinh tế nội địa, điều chỉnh cán cân thương mại, và đảm bảo sự công bằng trong thị trường.

Trong thuế xuất nhập khẩu thường chia ra làm 2 loại: 

  • Thuế xuất khẩu là thuế mà doanh nghiệp phải đóng khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. 
  • Thuế nhập khẩu là thuế mà doanh nghiệp phải đóng khi nhập khẩu hàng hóa vào trong nước. 

Ví dụ, nếu bạn đang nhập khẩu một lô hàng máy móc từ nước ngoài, bạn sẽ phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định của nhà nước trước khi lô hàng được thông quan. Ngược lại, nếu bạn xuất khẩu gạo sang thị trường nước ngoài, bạn có thể sẽ phải nộp thuế xuất khẩu dựa trên giá trị và loại hàng hóa.

Nội dung được tham khảo từ Luật thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu 2016 số 107/2016/QH13 và 1 số tài liệu về xuất nhập khẩu được quy định trong luật pháp Việt Nam.

Cách tính thuế xuất nhập khẩu

Tùy vào loại hàng hóa và chính sách thuế áp dụng, cách tính thuế xuất nhập khẩu có thể khác nhau. Dưới đây là hai công thức chính mà bạn cần biết:

Đối với mặt hàng áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm

Nếu bạn đang nhập khẩu hoặc xuất khẩu những mặt hàng áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm, công thức tính thuế như sau: 

Thuế xuất nhập khẩu phải nộp = Trị giá tính thuế trên mỗi đơn vị x Số lượng hàng hóa thực tế xuất, nhập khẩu x Thuế suất thuế xuất nhập khẩu

Trong đó: 

  • Số lượng hàng hóa thực tế: Tổng số lượng hàng hóa đang xuất khẩu hoặc nhập khẩu.
  • Trị giá tính thuế trên mỗi đơn vị: Giá trị của mỗi đơn vị hàng hóa, có thể được tính dựa trên giá CIF (Cost, Insurance, and Freight) đối với hàng nhập khẩu hoặc giá FOB (Free On Board) đối với hàng xuất khẩu.
  • Thuế suất thuế xuất nhập khẩu: Tỷ lệ phần trăm thuế áp dụng cho loại hàng hóa đó, được quy định trong biểu thuế xuất nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành.

Giả sử nếu bạn nhập khẩu 1000 chiếc điện thoại di động, với trị giá tính thuế trên mỗi chiếc là 10 triệu VND và thuế suất thuế nhập khẩu là 10%, số tiền thuế bạn phải nộp là: 1000 x 10,000,000 VND x 10% = 1 tỷ VND.

Đối với mặt hàng áp dụng thuế suất tuyệt đối

Một số hàng hóa, như thuốc lá hoặc rượu, áp dụng thuế suất tuyệt đối. Công thức tính thuế cho những mặt hàng này như sau:

Thuế xuất nhập khẩu phải nộp = Mức thuế tuyệt đối trên một đơn vị x Số lượng hàng hóa thực tế xuất nhập khẩu 

Giả sử nếu bạn nhập khẩu 5000 gói thuốc lá, với mức thuế tuyệt đối là 2000 VND/gói, thì số tiền thuế bạn phải nộp sẽ là: 5000 x 2000 VND = 10 triệu VND.

Các đối tượng bắt buộc phải đóng thuế xuất nhập khẩu

Theo Điều 3 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, các đối tượng sau đây bắt buộc phải đóng thuế xuất nhập khẩu:

  • Chủ hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu.
  • Tổ chức đảm nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu.
  • Người xuất cảnh, nhập cảnh có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
  • Người được ủy quyền hoặc bảo lãnh hoặc nộp thuế thay cho người nộp thuế.
  • Người thu mua, vận chuyển hàng hóa miễn thuế nhưng không dùng cho sản xuất, tiêu dùng mà đem bán.
  • Người có hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế nhưng sau đó chuyển sang đối tượng chịu thuế.

Các đối tượng được miễn, giảm, hoàn thuế xuất nhập khẩu

Dựa trên Điều 16, 18, và 19 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 cùng Nghị định 134/2016/NĐ-CP cho biết các đối tượng được miễn, giảm, hoàn thuế xuất nhập khẩu như sau: 

Đối tượng miễn thuế

Theo Điều 16 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, những trường hợp sau đây được miễn thuế:

  • Hàng hóa xuất nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam.
  • Hàng hóa nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế.
  • Hàng hóa theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
  • Hàng hóa có trị giá hoặc số tiền thuế dưới mức tối thiểu.
  • Nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu (Điểm 14, 15).

Các đối tượng này có thể bao gồm hàng hóa trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí, bảo vệ môi trường, giáo dục, y tế, và các dự án đầu tư đặc biệt.

Đối tượng giảm thuế

Điều 18 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định về giảm thuế cho các trường hợp là hàng hóa xuất nhập khẩu bị hư hỏng, mất mát do nguyên nhân khách quan trong quá trình giám sát của cơ quan hải quan.

Đối tượng hoàn thuế

Điều 19 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định về các trường hợp được hoàn thuế, bao gồm:

  • Hàng hóa đã xuất khẩu phải tái nhập hoặc đã nhập khẩu phải tái xuất.
  • Máy móc, thiết bị, dụng cụ tạm nhập tái xuất của tổ chức, cá nhân.
  • Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, nhưng sau đó sản phẩm đã được xuất khẩu.

Các quy định mới nhất về thuế xuất nhập khẩu 2024

Trong năm 2024, việc áp dụng các quy định về thuế xuất nhập khẩu vẫn dựa trên Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 mà vẫn chưa có cập nhật mới nào. 1 số quy định về thuế xuất nhập khẩu quan trọng mà các doanh nghiệp logistics, xuất nhập khẩu cần nắm rõ như: 

  • Nghị định 134/2016/NĐ-CP (Có hiệu lực từ ngày 01/09/2016): Hướng dẫn chi tiết về các trường hợp miễn, giảm, và hoàn thuế xuất nhập khẩu.
  • Nghị định 18/2021/NĐ-CP (Có hiệu lực từ ngày 25/04/2021): Sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 134/2016/NĐ-CP, làm rõ hơn về các quy định liên quan đến miễn thuế và hoàn thuế.
  • Nghị định 26/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ ngày 15/07/2023): Quy định về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi và các mức thuế liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu.
  • Quyết định 15/2023/QĐ-TTg (Có hiệu lực từ ngày 15/07/2023): Quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu.
  • Công văn 12166/BTC-TCHQ và 12167/BTC-TCHQ năm 2016 (Có hiệu lực từ ngày 31/08/2016): Hướng dẫn thực hiện quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Kết luận

Thuế xuất nhập khẩu là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh quốc tế. Nếu còn điều gì thắc mắc về thuế xuất nhập khẩu là gì thì hãy liên hệ với mình để được giải đáp chi tiết hơn nhé. 

=>> Bên cạnh thuế xuất nhập khẩu, có thể bạn cũng đang thắc mắc hạn ngạch xuất nhập khẩu là gì?

5/5 - (3 bình chọn)

Ghi chú: Chúng tôi không trực tiếp cung cấp câu trả lời mà thay vào đó, chúng tôi tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn đáng tin cậy trên internet bao gồm các trang báo chính thống như VnExpress hoặc các trang chuyên chia sẻ luật như Thư Viện Pháp Luật, cùng với các tài liệu, hiến pháp, quy định chính thống được luật pháp Việt Nam quy định trong các bộ luật thương mại, luật hải quan, luật xuất nhập khẩu,... Điều này giúp bạn đọc có được câu trả lời chi tiết, nhanh chóng và chính xác nhất mà không cần phải tìm đọc nhiều bài viết và tiết kiệm thời gian của bạn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *